Tổng quan

anh4.jpg


GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1998 ĐẾN 2003

Đây là thời kỳ Tổng công ty mới được thành lập, tập trung hoàn thiện bộ máy, tập hợp lực lượng để ổn định tổ chức và tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Thời gian này, tuy số lượng đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty chưa nhiều, chỉ hơn chục đơn vị, nhưng 100% các đơn vị là Doanh nghiệp nhà nước, quy mô lớn, lực lượng CB CNV lên đến gần 2 vạn người. Đây cũng là thời gian thị trường xây dựng cơ bản trong nước đang rộng mở, nhiều công trình trọng điểm nhà nước được đồng loạt triển khai, từ đó mở ra cơ hội lớn về điều kiện thị trường cho Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Các công trình tiêu biểu Tổng công ty và các đơn vị tham gia trong giai đoạn này như: Đường dây siêu cao áp và trạm 500kV Nam - Bắc (mạch hai) gồm các cung đoạn: Yaly - Pleiku, Pleiku - Phú Lâm, Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm, Pleiku - Thường Tín, các công trình đường dây và trạm 220kV như Hoà Bình - Sóc Sơn, Phả Lại - Quảng Ninh, Hà Đông - Hoà Bình, Huế - Đà Nẵng - Đà Nẵng - Dung Quất, 220kV Huế - Hoà Khánh...

Các công trình xây dựng công nghiệp gồm có: Mở rộng giai đoạn 1 Nhà máy  Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc giai đoạn 2; Tháp tạo hạt Nhà máy Đạm Phú Mỹ; Hệ thống điện công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; Nhà máy LAS Hải Phòng, Nhà máy Đường Quảng Ngãi, Nhà máy Cao su Sao vàng,  Nhà máy Cán thép Hòa Phát, Rada Sân bay Nội Bài, các công trình Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Tam Điệp…Mặc dù là một trong số các Tổng công ty 90 được thành lập muộn nhất trong Bộ Công nghiệp, nhưng Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam hoạt động tương đối ổn định và hiệu quả, Tổng công ty luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch Bộ giao, tốc độ tăng trưởng trung bình của Tổng công ty trong giai đoạn này đạt từ 10 - 15%/năm. Giá trị sản lượng toàn Tổng công ty tăng từ 1.860 tỷ đồng năm 1998 đến 4.686 tỷ đồng năm 2003, doanh thu tăng từ 1.485 tỷ đồng năm 1998 lên 4.063 tỷ đồng năm 2003. Đời sống của gần 2 vạn người lao động được đảm bảo, năm sau cao hơn năm trước bằng cả giá trị vật chất và đời sống tinh thần.


anh3.jpg


GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2003 ĐẾN 2008

Giai đoạn năm 2003 - 2008 là thời kỳ có nhiều dấu ấn quan trọng của Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng công ty đã mạnh dạn sắp xếp và cổ phần hóa toàn bộ các Công ty, đơn vị thành viên trong giai đoạn này và Tổng công ty đã được Bộ biểu dương là đơn vị tích cực hàng đầu trong công tác sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị sau khi được chuyển đổi đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, thực chất hơn, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh giản và gọn nhẹ hơn, từ đó bộ máy của Tổng công ty cũng có sự điều chỉnh phù hợp.

Trong giai đoạn này, Tổng công ty và các đơn vị tham gia thi công nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia của ngành, đáng kể như: Hoàn thành hệ thống đường dây và trạm 500kV Nam - Bắc mạch 2 cùng hàng trăm công trình đường dây và trạm 110, 220kV trải khắp chiều dài đất nước. Các công trình công nghiệp và dân dụng như: Đuôi hơi Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1-2 mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Nhà máy Kẽm điện phân 10.000 tấn/năm Thái Nguyên, Nhà máy Thuỷ lợi - Thủy điện Quảng Trị, các công trình Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hải Phòng mới, Xi măng Lam Thạch, Xi măng Hạ Long, Xi măng Lạng Sơn, Công trình Cảng cá Hạ Long, Chung cư cao tầng tại 2F Quang Trung, Hà Nội, Trụ sở làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trụ sở làm việc của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Chung cư Ngân hàng Nông nghiệp Hà Nội, Giảng đường trường Đại học: Bách khoa, Giao thông Vận tải, Công nghiệp Hà Nội…

Đây là thời gian, Tổng công ty và các đơn vị sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm và năng lực, đã mạnh dạn tham gia nhận thầu chính, nhận thầu EPC các công trình công nghiệp có quy mô vừa, nhất là các công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật lắp máy, lắp điện, lắp ống và đo lường tự động hóa, điển hình như tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, Thái Nguyên; Tổ hợp Dự án Đồng Sin Quyền, Lào Cai…

Thời điểm này, Tổng công ty không chỉ bắt đầu thực hiện việc quản lý, điều hành đơn thuần đối với các đơn vị thành viên, mà Tổng công ty đã bắt đầu trực tiếp tiến hành sản xuất kinh doanh, tham gia thi công trên nhiều công trình. Qua đó tự chủ được chi phí để hoạt động bộ máy quản lý và điều hành, đồng thời nâng cao được tính chủ động, giảm khâu trung gian, tăng tính hiệu quả trong quản lý điều hành các dự án lớn, tập trung của Tổng công ty.

Giai đoạn năm 2003 - 2008 cũng là những năm Tổng công ty tham gia rất tích cực và hiệu quả Chương trình chế tạo thiết bị cơ khí thủy công do Bộ Công nghiệp sau này là Bộ Công Thương chủ trì. Hàng vạn tấn thiết bị cơ khí thủy công lần đầu tiên được chế tạo ở trong nước do các Công ty cơ khí chuyên ngành thuộc Tổng công ty chế tạo đã được hoàn thành và bàn giao, lắp đặt, vận hành đảm bảo tiến độ và chất lượng tại các công trình Thủy điện vừa và lớn tại miền Trung và Tây Nguyên như: Thủy điện Pleikrông, Thuỷ điện A Vương, Thuỷ điện Buôn Kuốp, Thuỷ điện Buôn Tua Srah, Thuỷ điện Sê San 4…

Đặc biệt, Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên - công trình trọng điểm nhóm A đầu tiên do Tổng công ty làm Chủ đầu tư được triển khai thi công đồng bộ trong giai đoạn này. Đây là công trình lớn với giá trị đầu tư trên 3,500 tỷ đồng, việc quyết tâm thực hiện Dự án đã khẳng định chiến lược nâng cao dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp trong cơ cấu sản phẩm của Tổng công ty.

Điều đáng ghi nhận là, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã lớn lên, trưởng thành lên rất nhiều khi hầu hết các gói thầu xây dựng, lắp đặt và chế tạo thiết bị của Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên đều được thực hiện bởi các đơn vị nội bộ trong Tổng công ty, một dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cả nước tính đến thời điểm này – trên 73%.

Về tốc độ tăng trưởng của Tổng công ty trong giai đoạn này, giá trị sản lượng năm 2008 đạt 3.663 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.290 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 65,8 tỷ đồng, tuy có giảm so với năm 2003 do không tính giá trị của các đơn vị cổ phần không chi phối, nhưng về thực chất Tổng công ty và các đơn vị đi vào hoạt động với bộ máy tinh giản, gọn nhẹ hơn, tình hình tài chính minh bạch hơn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao hơn…


t3.jpg


GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2008 ĐẾN 2011

Giai đoạn 2008 đến 2011, Tổng công ty hoạt động trong môi trường kinh tế trong nước có nhiều biến động, khó khăn về thị trường, việc làm, nguồn tín dụng thắt chặt... Tổng công ty vừa phải tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, đời sống người lao động, vừa phải hoàn thành công tác cổ phần hóa toàn Tổng công ty, đồng thời tiếp tục phát triển thị trường, cơ cấu lại hoạt động của các đơn vị theo hướng nâng cao hiệu quả.

Đây là giai đoạn Tổng công ty nhận thầu trọn gói, nhận thầu EPC và chìa khóa trao tay nhiều hạng mục công trình công nghiệp có quy mô lớn, đồng thời hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, như: Nhà máy Tuyển bôxit Tân Rai, Lâm Đồng; Nhà máy Piaggio giai đoạn 2; Nhà máy Thực phẩm Á Châu; Nhà máy Samsung, Nhà máy Orion; Nhà máy Phong điện huyện đảo Lý Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1; Công trình Sân phân phối 500kV Vũng Áng; Nhà máy dược phẩm OPC Bình Dương; Công trình Toà nhà cảng Cái Mép, Cà Mau; Công trình Nhà máy sữa Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Sân bay Đà Nẵng; Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ; Các giảng đường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Các công trình đường dây và trạm điện, đáng kể có: Đường dây 500KV Long An - Nhà Bè; Đường dây 500KV Sơn La - Nhà Bè - Nho Quan; Đường dây 500KV Sông  Mây - Tân Định; Đường dây 500KV Nhà Bè - Ô Môn; Đường dây 500KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; Trạm biến áp 500KV Quảng Ninh, Hiệp Hoà, Sơn La, Nhà Bè, Ô Môn cùng hàng trăm công trình đường dây và trạm điện khác từ vùng sâu vùng xa các tỉnh miền núi, đến đồng bằng, thành phố trên khắp mọi miền đất nước.

Công tác chế tạo thiết bị cơ khí thủy công vẫn tiếp tục được triển khai, các đơn vị chuyên ngành trong Tổng công ty đã hoàn thành hàng vạn tấn thiết bị cho các công trình: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Srepok 3, Thủy điện A Lưới, Thủy điện Bản Vẽ…

Đặc biệt, ngoài việc tham gia các công trình có yêu cầu khắt khe về tiến độ và chất lượng của đối tác nước ngoài tại Việt Nam, các công trình vốn FDI trong nước, Tổng công ty và một số đơn vị thành viên đã mạnh dạn tham gia đấu thầu quốc tế và đã trúng một số gói thầu công trình công nghiệp có quy mô vừa tại nước ngoài, như: Công trình Trung tâm mua sắm Aeon tại Thủ đô Phnompenh, Campuchia; Công trình cụm 15x2 Silo chứa lương thực tại Bangladesh, ngoài ra Tổng công ty đang tiếp cận một số dự án tại Kuwait và một số nước Trung Đông khác… Việc tham gia thi công các công trình tại nước ngoài, bước đầu có giá trị chưa lớn, chỉ vài chục triệu USD, nhưng điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của VINAINCON ra thị trường nước ngoài và làm tiền đề phát triển trong thời gian tới.

Đối với Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, sau khi tổ chức khánh thành Nhà máy vào ngày 25 tháng 12 năm 2009, sản phẩm Xi măng mang thương hiệu Quang Sơn đã được thị trường đón nhận, Tổng công ty đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn để tổ chức quản lý và vận hành sản xuất kinh doanh. Đến nay, Xi măng Quang Sơn đã có mặt tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, thị phần ngày một tăng cao, chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh, hệ thống phân phối rộng khắp. Mặc dù gặp phải điều kiện khó khăn chung về thị trường, song năm 2013, dự kiến Công ty vẫn hoàn thành vượt kế hoạch với việc sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 900.000 tấn xi măng và 300.000 tấn clinker, tương đương 80% công suất thiết kế toàn Nhà máy, tổng doanh thu ước đạt trên 920 tỷ đồng.

Về công tác tổ chức, sau khi hoàn thành việc sắp xếp và chuyển đổi 100% các Công ty, đơn vị thành viên, Tổng công ty đã thực hiện công tác cổ phần hoá toàn Tổng công ty theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương. Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011, Tổng công ty chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần, đây là một quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Tổng công ty. Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình đa sở hữu, Tổng công ty đã nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, xây dựng và ban hành hệ thống quy định, quy trình để phù hợp với việc quản trị, quản lý và điều hành theo mô hình mới.

Đồng thời, Tổng công ty đã điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, thay đổi lãnh đạo tại một số Công ty, đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, đến nay kết quả là hầu hết các đơn vị được kiện toàn đều từng bước vượt qua khó khăn, hoạt động dần ổn định. Tổng công ty đã cơ cấu lại vốn đầu tư tại một số đơn vị đồng thời thành lập thêm một số Công ty mới để thực hiện việc chuyên sâu hoá một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời mở rộng phát triển thị trường và nâng cao thương hiệu Tổng công ty và các đơn vị.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tăng cường công tác thanh,  kiểm tra, quản trị nội bộ, quản lý theo hướng giảm các cấp trung gian, nhằm hạ giá thành, đảm bảo nâng cao hiệu quả trên từng hợp đồng, dự án, qua đó từng bước làm lành mạnh hoá tình hình tài chính tại Tổng công ty và các Công ty, đơn vị thành viên.

Có thể nói, đến thời điểm này Tổng công ty đã phát triển toàn diện tại các lĩnh vực chuyên sâu, ở đó VINAINCON đều thể hiện rõ nét năng lực, kinh nghiệm và uy tín của mình. Ngoài những lĩnh vực truyền thống là xây lắp, gia công và chế tạo kết cấu thép, sản xuất vật liệu xây dựng, thì giờ đây, Tổng công ty đã đảm nhận các lĩnh vực có tính chuyên môn cao, mang thương hiệu riêng của VINAINCON như tham gia công tác lắp máy, lắp điện, đo lường tự động hoá các công trình có sự phức tạp cao về công nghệ; Thi công các silô, tháp, ống khói bằng công nghệ trượt; Tham gia chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công… Qua đó, một lần nữa khẳng định năng lực và kinh nghiệm của Tổng công ty trên vai trò tổng thầu EPC, nhà thầu chìa khóa trao tay các hạng mục công trình điện, công trình công nghiệp và dân dụng quy mô vừa và lớn.


GIAI ĐOẠN TỪ 2011 ĐẾN NAY

Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam được chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.

Tổng công ty hoạt động theo mô hình mới trong điều kiện nền kinh tế chung của cả nước gặp nhiều biến động, ảnh hưởng lớn của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại trong nước. Những năm đầu chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, những năm sau là quá trình thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư phát triển, khắc phục khó khăn tồn tại, từng bước lành mạnh hóa nền kinh tế trong nước. Trong nội bộ Tổng công ty cũng có những vướng mắc, tồn tại, bất cập, hậu quả để lại do cơ chế hoạt động theo mô hình bao cấp, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc không rõ ràng trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển. 

Để khắc phục và phát triển, Tổng công ty đã đặt ra các mục tiêu chủ yếu cho 5 năm, từ năm 2011 đến năm 2016. Đó là xây dựng cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý điều hành, quản lý doanh nghiệp tại Tổng công ty thông qua hệ thống các quy chế, quy định, phân công trách nhiệm rõ ràng phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp cổ phần, vừa quản lý được các doanh nghiệp cấp dưới, vừa tổ chức hoạt động kinh doanh trực tiếp có hiệu quả để đảm bảo chủ động trong đầu tư phát triển và chăm lo đời sống người lao động; Từng bước rà soát, làm rõ thực trạng tài chính, tích cực hỗ trợ xử lý các tồn tại của các đơn vị thành viên. Đổi mới mô hình và nhân sự tổ chức điều hành sản xuất tại cơ sở, đảm bảo mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, xây dựng các doanh nghiệp thành viên mạnh, bộ máy quản lý của Tổng công ty tinh gọn hiệu quả, gắn kết được giữa Tổng công ty và các đơn vị thành thực thể thống nhất, hoạt động trên cơ chế trách nhiệm rõ ràng để cùng phát triển.

Tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh; Tập trung vào ngành nghề chính là xây lắp và sản xuất công nghiệp để phát triển bền vững, giữ vững ngành nghề truyền thống, đổi mới phương thức tổ chức thi công, xây dựng uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh từ Công ty đến Tổng công ty làm tiền đề cho sự phát triển ổn định sau này. Trong đó tiếp tục hoàn thiện quá trình đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Quang Sơn tại Thái Nguyên, triển khai tốt công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn.

Một trong các hướng đi mới là chú trọng mục tiêu sản xuất kinh doanh có lãi, đầu tư vào thiết bị thi công và sản xuất, hình thành năng lực nhận thầu thống nhất, kết hợp thế mạnh chuyên ngành của các đơn vị trong Tổng công ty đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế.

Bám sát mục tiêu đã đề ra, Tổng công ty đã nỗ lực đổi mới tư duy quản lý và điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra với các cổ đông. Hội đồng quản trị, Ban Lãnh đạo Tổng công ty cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty và các đơn vị thành viên, Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được đặt ra cho 5 năm từ năm 2011-2015.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm vừa qua của toàn Tổng công ty đạt trung bình là 12%. Sở dĩ có sự tăng trưởng doanh thu tương đối khả quan như vậy một phần là do trượt giá của thị trường nói chung và một phần là do Nhà máy Xi măng Quang Sơn đi vào hoạt động sản xuất ổn định và quy mô các hợp đồng lớn của Công ty mẹ ngày một nâng cao, các bạn hàng trong và ngoài nước tín nhiệm và tự tìm đến Tổng công ty ngày một nhiều hơn.

Để phù hợp với hoạt động của Công ty cổ phần, Tổng công ty đã thực hiện xắp xếp và cơ cấu lại các phòng ban chuyên môn theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện hoạt động mới của Tổng công ty. Các Chi nhánh được thành lập và củng cố, phát triển theo định hướng rõ ràng. Đảm bảo cho mục tiêu cơ quan Tổng công ty vừa thực hiện chức năng quản lý các đơn vị thành viên, quản lý đầu tư tài chính, vừa trực tiếp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, tự chủ về tài chính, định hướng, xây dựng thị trường, đồng thời có khả năng hỗ trợ các đơn vị thành viên trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ giữa Tổng công ty và các đơn vị được quy định, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo quyền chủ động của cơ sở song vẫn gắn kết hỗ trợ lẫn nhau.

Tổng công ty đã kết hợp việc điều chỉnh nhân sự, làm rõ thực trạng tài chính và đổi mới mô hình, phương pháp quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Việc xem xét, điều chỉnh người đại diện phần vốn của Tổng công ty, các chức danh quản lý tại các đơn vị được tiến hành thường xuyên, phù hợp với thực tế khách quan, đảm bảo mục tiêu đưa các công ty ngày càng lành mạnh và phát triển. 

Tổng công ty đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ về tổ chức, nhân sự, tài chính… nhằm khắc phục và hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức quản lý và năng lực sản xuất, thi công tại một số đơn vị làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Hầu hết các đơn vị trong Tổng công ty đã đạt được các kết quả tích cực, từ lỗ nhiều thành lỗ ít, từ lỗ chuyển sang lãi và từ lãi ít thành lãi nhiều hơn. Tổng công ty đã triển khai chương trình giảm các cấp trung gian trong quản lý tại hầu hết các đơn vị thành viên, thực hiện việc tách các chi nhánh thành các công ty cổ phần hoặc chuyển thành mô hình đội do công ty quản lý trực tiếp. Quá trình này đã đem lại hiệu quả kinh doanh thiết thực. Hầu hết các đơn vị đều hoạt động lành mạnh hơn, tài chính được củng cố, uy tín và thương hiệu được nâng cao.

Tổng công ty cũng bố trí nguồn tài chính hỗ trợ, làm việc với các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại nợ vay, huy động vốn cho các đơn vị đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, đồng thời trực tiếp quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh lãng phí.

Với chủ trương xác định đúng đắn về chiến lược thị trường, Tổng công ty đã tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, không đầu tư kinh doanh dàn trải, tránh rủi ro. Các đơn vị xây lắp và sản xuất công nghiệp của Tổng công ty vẫn giữ được thế mạnh ngành nghề truyền thống, đặc biệt là các đơn vị xây lắp điện và xây dựng công nghiệp, thị trường tiếp tục ổn định, các công trình nhận thầu có giá trị ngày càng cao, sản lượng và doanh thu lớn, hiệu quả tăng lên. Điển hình là: Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 4, Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 với doanh thu hàng năm lên tới ngàn tỷ đồng, Công ty CIC5 nhận thầu đồng bộ các công trình công nghiệp nhẹ.

Tổng công ty trực tiếp nhận thầu và hoàn thành được nhiều dự án với đối tác nước ngoài có yêu cầu chất lượng và tiến độ khắt khe, các dự án EPC, các dự án công nghiệp nặng trọng điểm: Thép, Bô xít, Nhiệt điện, Xử lý nước, Lọc dầu, Samsung, LG… với giá trị sản lượng hàng năm lên tới hơn 1.000 tỷ. Các đơn vị sản xuất kết cấu và thiết bị kim loại cũng có sự tăng trưởng, hoạt động ổn định dần và hiệu quả tương đối cao, như: Comess, các đơn vị sản xuất cấu kiện bê tông ly tâm giữ vững và phát triển được thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, chiếm được thị phần đáng kể tại phía Nam. Đặc biệt trong những năm qua, với mô hình điều hành quản lý trực tiếp, phối hợp nhiều đơn vị trong Tổng công ty, uy tín của các đơn vị thành viên và Tổng công ty trên thị trường đã được củng cố, nhiều công trình được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao và tiếp tục tin tưởng giao thầu. 

Trong lĩnh vực đầu tư, thời gian qua các đơn vị tập trung đầu tư nâng cao năng lực thi công như trạm trộn bê tông, đà giáo cốp pha, thiết bị kéo dây, thiết bị gia công cơ khí. Việc đầu tư vào các dự án bất động sản, khoáng sản, thủy điện tại Tổng công ty và các đơn vị bị đình hoãn, giãn tiến độ do chính sách nhà nước thay đổi, thị trường trầm lắng và chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư. Tổng đầu tư về xây lắp và thiết bị trong 5 năm qua là 202 tỷ đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính để trả nợ đầu tư và huy động vốn cho SXKD, Tổng công ty đã tập trung mọi nguồn lực về tài chính và quản lý để hỗ trợ Công ty TNHH MTV Xi măng Quang sơn đi vào hoạt động, ổn định sản xuất, đảm bảo chất lượng, chiếm lĩnh được thị trường, ổn định đời sống cho gần 600 CBCNV. Đến nay sản lượng tiêu thụ Nhà máy đạt trên 80% công suất. Công tác quyết toán Dự án đã được hoàn thành, chờ hoàn tất thủ tục ký duyệt, đã giải quyết cơ bản các khoản nợ của các nhà thầu thi công. 

Trong kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo từ 2016, Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam Tổng công ty đã đạt được một số kết quả nhất định, mặc dù kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới trong các năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid 19. Dịch Covid 19 xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, lây lan ra nhiều nước trên thế giới, kéo dài từ tháng 3 năm 2020 và bùng phát nhiều đợt cho đến nay, ảnh hưởng đến kinh tế trong ngoài nước, đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành xây lắp, sản xuất công nghiệp của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn này, Tổng công ty đặt mục tiêu chú trọng những công trình có nguồn vốn rõ ràng, dòng tiền ổn định; Tiếp tục phát huy và củng cố niềm tin với các đối tác lớn như SAMSUNG, LG, GS... và tập trung vào các dự án có nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn có tiềm năng tài chính như: Điện, Dầu khí, Than - Khoáng sản, Hóa chất…. Phối hợp và hỗ trợ nhân lực trực tiếp từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên trong công tác dự thầu, nhận tổng thầu xây lắp, nhận thầu trọn gói, tư vấn; lập phương án tổ chức thi công cho các công trình lớn, tổ chức thực hiện điều hành các công trình.

Đơn vị ưu tiên công tác thanh, quyết toán và thu hồi vốn trên các dự án; củng cố hệ thống quản lý tài chính và hạch toán kế toán trong Tổng công ty đảm bảo phản ánh đầy đủ và chính xác thực trạng tài chính của từng đơn vị; Tiếp tục thực hiện việc tăng cường và hỗ trợ đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực tài chính kế toán cho các Công ty, đơn vị trực thuộc.

Tổng công ty đã trả hết nợ ngân hàng nước ngoài BNP cho Xi măng Quang Sơn vào năm 2019; Cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh và đầu tư nguồn lực có kinh nghiệm và năng lực trong sản xuất, thi công; điều chỉnh mô hình hoạt động của các công ty hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc hiệu quả thấp; Tăng cường công tác an toàn lao động trên từng công trường; Đào tạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ công tác an toàn đối với người lao động; Quan tâm gắn kết hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể ngày một sâu rộng giữa các đơn vị trong Tổng công ty để phát huy sức năng động, sự phấn đấu và cống hiến của người lao động, đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ của Tổng công ty và các đơn vị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty.

Tổng công ty tiến hành cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động trong Tổng công ty. Cơ quan Tổng công ty vừa là đơn vị quản lý chức năng vừa là đơn vị SXKD trực tiếp được tất cả các cấp quản lý đồng thuận thực hiện. Mối quan hệ giữa Tổng công ty và các đơn vị được quy định, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo quyền chủ động của cơ sở song vẫn gắn kết hỗ trợ lẫn nhau. Tổng công ty đã kết hợp việc điều chỉnh nhân sự, làm rõ thực trạng tài chính và đổi mới mô hình, phương pháp quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Việc xem xét và cắt cử các đại diện phần vốn của Tổng công ty, các chức danh quản lý tại các đơn vị được tiến hành thường xuyên, kiên quyết phù hợp với thực tế khách quan. Đảm bảo mục tiêu đưa các công ty ngày càng lành mạnh và phát triển.

Tổng công ty tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ về tổ chức, nhân sự, tài chính… nhằm khắc phục và hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức quản lý và năng lực sản xuất, thi công của một số đơn vị làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả; Đối với các tồn tại tài chính tại các đơn vị đã được Tổng công ty dần làm rõ và xử lý, trích lập dự phòng, xử lý công nợ: tích cực thu hồi, giảm các khoản phải trả, giảm lỗ cho đơn vị. Tổng công ty cơ bản thực hiện đầy đủ công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, không tiêu cực lãng phí trong quản lý kinh tế, tài chính toàn Tổng công ty ngày càng lành mạnh, các rủi ro đã được trích lập dự phòng, tạo tiền đề phát triển tốt cho các năm tới.

Giá trị đầu tư xây dựng các năm 2016, 2017, 2018 chủ yếu là giá trị đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bê tông ly tâm ứng lực trước tại Bến Cát của Công ty cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức. Nguồn vốn đầu tư thực hiện cơ bản từ nguồn vốn vay và nguồn vốn kinh doanh của các đơn vị. Tổng công ty hoàn thành công tác quyết toán vốn đầu tư và đang trình Bộ Công Thương phê duyệt giá trị quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

Đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền và phổ biến kiến thức chuyên môn cho cán bộ nhân viên của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Cụ thể là  tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Lao động, Chính sách tiền lương và Luật BHXH, BHYT, BHTN, cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ pháp luật về quản trị nhân sự và xử lý vi phạm lao động cho doanh nghiệp.

Nhìn chung trong các năm từ 2016 đến năm 2020,  năng suất lao động và mức lương bình quân của quản lý và người lao động toàn Tổng công ty tăng, đời sống của người lao động được đảm bảo. Tuy nhiên năm 2020 xuất hiện dịch Covid 19 và lũ lụt tại Miền Trung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc cũng như toàn Tổng công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Dự báo dịch còn có khả năng bùng phát và tiếp diễn, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây lắp như Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp nói riêng cần phải chuẩn bị sản xuất kinh doanh song song với phòng chống dịch, tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, triển khai các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng cường giám sát nhằm giảm thiểu các rủi ro, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất hợp lý để có giải pháp phù hợp.